Review Sách “Trúng số độc đắc” – Tác phẩm cuối đời của nhà văn Vũ Trọng Phụng

admin 16.04.2022 Books Review

Nhắc đến Vũ Trọng Phụng, hầu hết độc giả Việt Nam nhớ đến những tác phẩm kinh điển của ông như Số đỏ, Làm đĩ, Vỡ đê hay Kĩ nghệ lấy Tây. Trúng số độc đắc không được biết đến rộng rãi như bốn tác phẩm kể trên, nhưng không có nghĩa đây là một sản phẩm thất sủng của Vũ Trọng Phụng. Trái lại, Trúng số độc đắc không hề thua kém gì so với những tác phẩm trước đó của ông, nó vẫn mang đậm tính châm biếm xã hội hiện thực, lên án và phê phán sự tha hóa của con người. Và giống bao hầu hết các tác phẩm trước đó của mình, tiến hiện thực của Trúng số độc đắc vẫn luôn đúng kể cả trong thời điểm hiện tại.

Sách-Trúng Số Độc Đắc-Vũ Trọng Phụng | Shopee Việt Nam

Trúng số độc đắc mang đến cho độc giả sự tha hóa trong cách suy nghĩ của con người trước sức mạnh của đồng tiền mà đại diện chính là nhân vật chính của tác phẩm, anh Nguyễn Văn Phúc. Để làm rõ được sự tha hóa đáng sợ mà đồng tiền mang đến, Vũ Trọng Phụng đưa chúng ta vào vị trí xuất phát điểm là một anh chàng thư kí nghèo, túng thiếu đến nỗi phải ăn bám vào gia đình. Khi còn đang nghèo, lối suy nghĩ của Phúc thường mang đậm tính triết lí vĩ đại, cao cả về cuộc sống, về đồng tiền và về con người (đấy là anh tự nghĩ như thế). Anh cho rằng nếu như bỗng một ngày anh giàu có, tiền rủng rỉnh túi thì anh sẽ hành động giống như một người nghĩa hiệp, nào là giúp đỡ mọi người xung quanh, từ thiện cho những mảnh đời khó khăn khác, hay tu chí làm ăn sinh lời. Nhưng rồi khi anh giàu thật, anh không có sống như thế. Phúc khi cầm trong tay hàng vạn bạc, anh sống một cuộc sống trác táng, ăn chơi sa đọa, gái gú thuốc phiến hàng ngày. Phúc vung tiền vào những gì anh ta cho là sang trọng, là xứng đáng với vị thế của một người trúng số độc đắc. Những cái triết lí, suy nghĩ mà khi anh nghèo anh cho là lẽ phải, nó đã tiêu tan kể từ ngày Phúc rinh về nhà 10 vạn bạc.

Bên cạnh Phúc, Vũ Trọng Phụng còn mượn hình ảnh của những người thân xung quanh anh, từ bố mẹ ruột, cho đến em gái, vợ rồi cả anh trai của Phúc để thể hiện rõ cái ma lực đáng sợ mà đồng tiền mang đến. Từ những cái khinh Phúc ra mặt, chửi rủa thậm tệ khi anh thất nghiệp cho đến sự cung kính, thờ Phúc như vị ân nhân vĩ đãi là đã đủ để người đọc hiểu rằng, chỉ cần có tiền, thì lối cư xử của con người sẽ thay đổi hoàn toàn. Bố mẹ giờ sợ con một phép, Phúc nói gì, ông bố đều vâng vâng dạ dạ, Phúc bảo gì, bà mẹ cũng cho là đúng, cho là lẽ phải, chẳng còn đó cái trật tự trong gia đình. 

Lối viết văn của Vũ Trọng Phụng dường như chịu ảnh hưởng nhiều bởi những nhà văn Pháp như Victor Hugo hay Balzac, khi mà ông thường lồng ghép các yếu tố về triết học, nhân sinh quan cuộc sống vào trong tác phẩm của mình giống như cách Victor Hugo làm với “Những người khốn khổ” hay Balzac với “Lão Goriot” . Nhưng Vũ Trọng Phụng biết cách tiết chế, làm giảm nhẹ đi nhưng vẫn đủ thấm thía để người đọc hiểu được các yếu tố triết học mà ông mang đến. Kết hợp với đó là giọng văn mỉa mai, thâm sâu để gián tiếp lên án và phê phán những thói hư tật xấu của con người. Trúng số độc đắc xứng đáng là một cái kết đẹp mà Vũ Trọng Phụng dành cho cuộc đời của mình.

Rate this post