Review sách “Người Đua Diều” – “Luôn có một con đường để tốt lành trở lại”
Truyền thống lâu đời mùa đông ở Afghanistan là đua diều, hay đúng hơn, “đấu diều”. Các cuộc đấu diều diễn ra mỗi năm trên đất nước nhỏ bé bị bom đạn chiến tranh bao phủ này. Trên bầu trời hàng trăm chiếc diều, mỗi cánh diều như một người chiến binh chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn một kẻ sống sót, kẻ đó là nhà vô địch. Lấy cảm hứng từ lễ hội độc đáo nơi quê nhà, Khaled Hosseini đã cho ra đời tác phẩm đầu tay làm lay động trái tim người đọc trên khắp thế giới – Người Đua Diều.

Câu chuyện trải dài từ bối cảnh Afghanistan sang Pakistan, đến Mỹ rồi lại quay về quê nhà Afghanistan của cậu chủ nhà giàu Amir. Truyện phản ánh một xã hội phân biệt giai cấp và chủng tộc khá nặng nề. Một câu chuyện khá tàn khốc, chân thực, sâu sắc, đau lòng, cảm động, là sự chuộc tội và ăn năn của tâm hồn, sự chuộc tội cho một hành động bé nhỏ đã làm thay đổi tất cả.
Không chỉ là câu chuyện cảm động về tình cha con, tình anh em, về thời thơ ấu nhiều niềm vui và lầm lỗi, về khát khao được cứu chuộc, Người Đua Diều còn được đánh giá là “Một bức họa rực rỡ về Afghanistan ba mươi năm trước”. Một Afghanistan trong xanh, yên bình và hòa hợp, rất thịnh vượng và sầm uất, rất tráng lệ với hình ảnh của thủ đô Kabul – trung tâm văn hóa, nghệ thuật. Theo dòng thời gian, chiến tranh và Taliban đã làm thay đổi đất nước này, cùng với đó là hành trình mong muốn được cứu chuộc tội lỗi của Amir.
Người Đua Diều đã mang đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về đất nước hồi giáo Afghanistan rực rỡ nhưng chết chóc, nơi bóng ma chiến tranh luôn luôn bao trùm. Nơi tình cảm cha con mỏng manh. Danh dự. Sự phản bội. Dối trá. Đắc tội. Khaled Hosseini vẽ ra một bức chân dung một màu nhưng không đơn giản, là một vết cắt nhẹ nhưng lại sâu lắng trong lòng người yêu văn chương khắp năm châu.
Lối viết tự sự của tác giả kèm cảm xúc chân thật và mãnh liệt giàu cám xúc cứ thế cuốn độc giả đi theo hình ảnh cánh diều và cuộc đua diều trong tác phẩm; đánh dấu các bước ngoặt xuyên suốt câu truyện và cảm xúc của các nhân vật khi gắn liền với cánh diều đó. Tình bạn, tình cha con, tình yêu dưới ngòi bút của Khaled vô cùng sinh động song cũng đầy tang thương trong bối cảnh đất nước Afghanistan đổ nát, cuồng tín, bạo lực với máu và chết chóc. Nhưng trong nền văn hoá đổ vỡ đó vẫn còn những con người với lòng nhân hậu, trung thực luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà quên đi bản thân mình….
Mọi nhân vật đều được khắc hoạ rõ nét, với những cá tính riêng, độc đáo. Sự yếu đuối của Amir, sự cam chịu tới mức ngây thơ của Hassan, sự cố chấp của Baba, tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh hoàn hảo. Mỗi nhân vật trong truyện đều mang trong mình những tội lỗi, nhưng điều quan trọng là họ biết đau khổ, họ biết bản thân mình thật tệ hại. Để rồi, sau tất cả, “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”, dù có muộn màng.
Dù thực tại có tàn khốc đến đâu, thì những cánh diều vẫn tự do, vút bay vượt mọi thời gian và không gian. Cánh diều của quá khứ bình yên, bên bầu trời trải rộng xanh biếc, cùng những kí ức chấp chới trong ánh mặt trời. Cánh diều của góc chiếu tuổi thơ, góc chiếu của cuộc sống đời thường với những điều, những người chẳng hoàn hảo nhưng những giá trị tốt đẹp thì vẫn luôn còn mãi. Và hy vọng sẽ lại được thắp lên, hy vọng về tình người, về những giá trị cốt lõi của tình yêu thương.

“For you, a thousand time over” – “Vì cậu, cả ngàn lần rồi…”